Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Các kỹ thuật dạy học tích cực

Miriam Feinberg

1) “Làm thế nào để …”
Học sinh mô tả giải pháp cho một vấn đề nào đó. Quá trình này giúp các em bình tĩnh tổ chức các bước nhằm đạt được một mục đích gì đó, phân tích quan hệ giữa các bước và bắt đầu đánh giá phê phán cách trình bày của chính mình. Phương pháp này có thể áp dụng với môn toán, khoa học cũng như kỹ năng viết và kỹ thuật.

2) Báo cáo một phút
Cho các em có cơ hội tổng kết lại những gì đã học trong các bài trình bày ngắn gọn và cô đọng với các bạn cùng lớp. Qua đó, các em có cơ hội tổng kết kiến thức và đặt những câu hỏi chưa được trả lời. Trước hoặc cuối buổi học (thậm chí giữa buổi học), cho các em vài phút để trả lời các câu hỏi sau trên giấy: Điều quan trọng nhất các em học đuợc hôm nay là gì? Theo các em vấn đề gì là quan trọng nhất mà chưa được giải đáp? Các câu hỏi dưới nhiều hình thức khác nhau, các câu hỏi cũng như các câu trả lời các em đưa ra củng cố quá trình học tập của các em và cho bạn thấy được các em đã hiểu vấn đề như thế nào.

3) Bài tập suy nghĩ nhanh theo nhóm (động não theo nhóm)
Giáo viên đặt một câu hỏi và gợi ý chủ đề thảo luận. Trong quá trình thảo luận, một ai đó (có thể là giáo viên hoặc học sinh) viết lên bảng các ý kiến đã được trình bày. Các ý kiến này có thể sẽ trở thành chủ đề thảo luận tiếp sau đó, chủ đề cho các bài tập, các vấn đề học sinh cần hỗ trợ hoặc thậm chí các điểm quan trọng để đưa vào phần đánh giá sau này.

4) Chúng em biết 3 (Làm việc theo nhóm 3 học sinh)
Các học sinh lập thành nhóm 3 người, và trong 10 phút thảo luận những gì các em biết về chủ đề này. Sau đó, các em chọn 3 điểm để trình bày với cả lớp. Mỗi nhóm sẽ cử một em lên trình bày về 3 điểm nói trên.

5) Hỏi và trả lời
Học sinh lần lượt đặt câu hỏi liên quan đến một chủ đề nào đó. Một em (hoặc một giáo viên) sẽ bắt đầu đặt một câu hỏi. Học sinh này sẽ gọi một bạn khác lên trả lời câu hỏi đó. Học sinh thứ hai lại đặt tiếp một câu hỏi nữa. Học sinh này sẽ tiếp tục quá trình hỏi và trả lời với các bạn cùng lớp cho đến khi giáo viên quyết định dừng hoạt động này lại.

6) Đặt câu hỏi tích cực
Cuối buổi học, hoặc trước khi nghỉ ăn trưa, yêu cầu các em học sinh viết và nộp lại bất kỳ câu hỏi nào do các em nghĩ ra. Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ là phần mở đầu cho giờ học tiếp theo. Kỹ năng này có thể được sử dụng để đánh giá kiến thức của học sinh và khiến các em tập trung nghe hơn. Kỹ năng này cũng là một cách để ôn lại chương trình học trước khi tiếp tục.

7) Tranh luận:
Hình thức tranh luận có thể là chính thức hoặc không chính thức, cá nhân hoặc theo nhóm, chấm điểm hoặc không chấm điểm. Hình thức này cho phép các em học sinh đưa ra quan điểm riêng và thu thập dữ liệu, lôgic để chứng minh cho quan điểm đó. Các em cũng có thêm kinh nghiệm với cách trình bày miệng. Giáo viên có thể yêu cầu các em trình bày quan điểm riêng về một vấn đề nào đó rồi đề nghị các em lập luận để tranh luận với nhóm có quan điểm đối lập.

8) Suy nghĩ - Thảo luận cặp đôi– Chia sẻ
Học sinh nhận nhiệm vụ là trả lời một câu hỏi hoặc giải một bài toán, hoặc lấy một ví dụ v.v…. Mỗi em sẽ thực hiện nhiệm vụ này một mình trong 2-5 phút (suy nghĩ). Sau đó, các em sẽ thảo luận những ý tưởng của mình với một bạn khác ngồi gần đó trong 3-5 phút (thảo luận 2 người). Sau đó, các nhóm 2 người này trình bày ý kiến của mình với cả lớp (chia sẻ).

9) Nhóm nhỏ
Các nhóm này có thể là chính thức hoặc không chính thức, chấm điểm hoặc không, trong khoảng thời gian ngắn hoặc dài. Nhìn chung, giáo viên chia các em học sinh thành các nhóm từ 3 đến 6 em, cả nam lẫn nữ. Các em chọn là một trưởng nhóm và một thư ký. Các em được giao một nhiệm vụ để cùng nhau thực hiện. Đôi khi, để phục vụ cho các hoạt động của nhóm, các em có thể được yêu cầu phải chuẩn bị trước (đọc tài liệu hoặc làm bài tập về nhà). Nhóm sẽ đưa ra một câu trả lời, một bài viêt hoặc một sáng kiến chung của cả nhóm.

10) Hỏi Chuyên gia
Một nhóm học sinh đóng vai là một ban chuyên gia về một chủ đề nhất định. Các em khác đặt câu hỏi cho các chuyên gia về chủ đề đó để các chuyên gia giải đáp. Một em (hoặc giáo viên) là trưởng nhóm, mời các bạn đặt câu hỏi rồi mời chuyên gia trả lời.

11) Đóng vai
Giáo viên đặt ra một tình huống thật hoặc tưởng tượng, trong đó có nhiều nhân vật/vai khác nhau. Học sinh được khuyến khích nghiên cứu những tình huống đó với các nhân vật khác nhau rồi ứng biến các phản ứng của nhân vật cho các bạn cùng lớp theo dõi.

12) Bản đồ Tư duy
Kỹ năng này có nghĩa là viết một ý tưởng chính ở giữa rồi nghĩ ra các ý tưởng mới có liên quan xoay quanh ý tưởng trung tâm nói trên. Bằng cách tập trung vào các ý tưởng chính viết bằng ngôn ngữ của mình, rồi sau đó phát triển các nhánh và mối liên hệ giữa các ý tưởng này, bạn đang lập bản đồ kiến thức theo cách sẽ giúp bạn hiểu và nhớ thông tin mới.

13) Hoàn tất một nhiệm vụ
Giáo viên đưa ra một câu chuyện/vấn đề mới chỉ được giải quyết một phần rồi yêu cầu học sinh hoàn tất. Cần hướng dẫn các em cẩn thận và cụ thể để các em hiểu được vai và các trách nhiệm của mình. Đây là một hoạt động tốt giúp các em đọc lại những tài liệu đã học trên lớp hoặc đọc các tài liệu theo yêu cầu của giáo viên.

14) Một kế hoạch của nhóm
Một nhóm thảo luận để trả lời một câu hỏi hoặc thực hiện một nhiệm vụ do giáo viên giao cho. Phần việc của các em phải làm cần đáp ứng được những câu hỏi như:
a) Nhóm của các em cần và muốn biết gì về chủ đề này?
b) Các em cần đặt những câu hỏi gì để có được thông tin?
c) Các em cần đi đến đâu để có được thông tin?
d) Ai có thể giúp các em lấy được thông tin?
e) Các em phân công công việc cho các thành viên của nhóm như thế nào để lấy thông tin?
f) Những thông tin mới sẽ giúp các em như thế nào trong việc lập kế hoạch để có ích cho xã hội?
Một thư ký của nhóm sẽ ghi lại câu trả lời của cả nhóm và chia sẻ thông tin với cả lớp.

15) Biểu đạt sáng tạo
Một nhóm học sinh sẽ chọn một cách sáng tạo để trình bày thông tin về một bài học nhất định. Phương pháp có thể là kể một câu chuyện, diễn kịch, hát, chơi trò chơi hoặc làm áp phích. Chủ yếu là các em trong nhóm sẽ tự lựa chọn hình thức phù hợp, nhưng đôi khi giáo viên cũng có thể chỉ định một hình thức nào đó. Các thành viên trong nhóm cần được tự do chuẩn bị phần trình bày theo cách riêng của mình, không cần quá nhiều chỉ dẫn của giáo viên. Kỹ năng này sẽ có tác dụng nhất với các nhóm nhỏ.

16) Bài tập tình huống

Là một hình thức nghiên cứu định tính mô tả. Bài tập tình huống tập trung vào 1 cá nhân hoặc 1 nhóm người tham gia, rút ra kết luận chỉ về cá nhân đó hay nhóm người đó và chỉ trong 1 hoàn cảnh cụ thể nào đó. Loại hình nghiên cứu này nhằm mục đích đưa ra một hiểu biết đầy đủ nhất về 1 sự kiện hoặc 1 tình huống nhất định. Sự hiểu biết toàn diện này là kết quả của 1 quá trình bao gồm những mô tả sâu rộng về 1 thực thể đang được xem xét và đánh giá. Các hoàn cảnh trong đó thực thể đó tồn tại đặc điểm của những người tham gia và bản chất của cộng đồng xung quanh. Bài tập tình huống thường được lựa chọn khi nhà nghiên cứu không kiểm soát nhiều đối với các sự kiện và khi có trọng tâm trong khuôn khổ 1 bối cảnh thực tế nào đó. Các bài tập tình huống thường được coi là có thể hoán đổi với ngành dân tộc học, nghiên cứu thực địa và quan sát của người tham gia. Bài tập tình huống diễn ra trong một khung cảnh tự nhiên (ví dụ như ở một lớp học, trong khu phố hoặc ở nhà riêng) và cố gắng đạt được một cách hiểu tổng hợp hơn đối với 1 sự kiện hoặc 1 tình huống đang nghiên cứu. Các lĩnh vực xã hội học và nhân chủng học được coi là những ngành đưa ra những khái niệm đầu tiên về bài tập tình huống. Phương pháp nghiên cứu này hàm chứa ý tưởng rằng học sinh có thể học lẫn nhau bằng cách giao thiệp và trao đổi ý kiến với nhau, đưa ra 1 quan điểm nào đó rồi đặt dấu hỏi đối với quan điểm đó, lật đi lật lại vấn đề sao cho các em có thể suy ngẫm về những điều các em nghe thấy và dần dần điều chỉnh những gì các em nói. Tóm lại, học sinh có thể làm chủ quá trình học tập bằng cách đặt câu hỏi và chịu trách nhiệm về nghiên cứu.


*17) Viết tích cực
Kỹ năng này cho các em có cơ hội nghĩ và xử lý thông tin. Ví dụ, ngoài hình thức báo cáo một phút, giáo viên có thể đặt một câu hỏi, rồi cho các em thời gian tự do viết câu trả lời dài bao nhiêu tuỳ thích. Các em cũng có thể viết tự do về các chủ đề trong khoảng thời gian nhất định. Kỹ năng này có thể được sử dụng để tóm tắt hoặc tổng kết lại các tài liệu đã học trên lớp.

*18) Lưu giữ nhật ký
Học sinh được yêu cầu lưu nhật ký theo thời hạn nhất định (viết tay hoặc dùng máy tính, trên lớp hoặc ngoài giờ hoc). Một lần ghi nhật ký, cần phải ghi rõ, ngày tháng năm và câu trả lời cá nhân cho một câu hỏi, hoặc quan sát riêng của mình. Đôi khi, nếu muốn, các em có thể đọc lại nhật ký của mình.

* Sự khác biệt giữa Viết tích cực và Lưu giữ nhật ký là Viết tích cực phục vụ cho việc thực hiện yêu cầu của giáo viên, trả lời câu hỏi hoặc viết về một chủ đề nhất định. Nhật ký thường được viết về các chủ đề do các em tự chọn. Viết tích cực thường được thực hiện trên lớp, còn Lưu giữ nhật ký có thể được thực hiện hoặc trên lớp hoặc ở nhà.

1 nhận xét: